Khát vọng hùng cường và bài học về sự trỗi dậy
00:15 22/09/2023
(VINEN) - Mặc dù khác nhau về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa lý, văn hóa, tài nguyên,… nhưng có một điểm chung của khá nhiều quốc gia, đó là sự trỗi dậy, sự vươn lên của người dân với ý chí, khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, không chấp nhận số phận hèn kém… Tất cả đoàn kết, cùng nhau hướng tới mục tiêu khát vọng hùng cường mà các nhà lãnh đạo đã truyền cảm hứng tới người dân và chèo lái để tạo ra sự "lột xác" ngoạn mục cho đất nước.
Trong phạm vi của bài viết này, chỉ đề cập đến những quan điểm chung nhất dưới góc nhìn thực tế khách quan từ những thể chế, những nền kinh tế có sự tăng trưởng và thay đổi ngoạn mục, được xem là kỳ tích và gắn liền với dấu ấn về tầm nhìn, tư duy lãnh đạo. Đó là những kỳ tích như: “Thần kì Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kì” mang tên Singapore, được xem là những hình mẫu về sự phát triển ngoạn mục trước sự ngỡ ngàng của thế giới.
30 năm, là bài học về sự trỗi dậy của người Nhật bởi chính sách Duy Tân Minh Trị gắn liền với dấu ấn của Thiên Hoàng Minh Trị - người đặt nền móng cho sự phát triển “Thần kì Nhật Bản”. Duy Tân Minh Trị được khởi nguồn từ 5 lời Tuyên thệ của Thiên Hoàng Minh Trị khi lên ngôi: “1- Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định; 2- Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước; 3- Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng; 4- Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất; 5 - Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở nên mạnh lớn vẻ vang".
Với 5 lời Tuyên thệ khi lên ngôi, Thiên Hoàng Minh Trị đã thể hiện tầm nhìn của một Hoàng đế với tư duy chiến lược cùng những mục tiêu đổi mới cụ thể, rõ ràng. Duy Tân Minh Trị đã trở thành nền móng vững chắc đưa Nhật Bản từ một nước nghèo nàn về tài nguyên, phần lớn nguyên, nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ vào năm 1968. Với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển cao độ ở giai đoạn 1955-1973 (với tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%). Sự tăng trưởng ngoạn mục này đã làm thế giới phải kinh ngạc, vì thế mà câu chuyện mang tên "Thần kì Nhật Bản" vẫn được truyền tụng đến ngày nay.
Vậy từ đâu nước Nhật có được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục? Có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc lý giải về nguyên nhân giúp cho Nhật Bản có được thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng có thể thấy, những lý do nổi bật nhất mà người Nhật đã áp dụng: (1) Cải cách kinh tế - xã hội, dân chủ hóa hậu chiến tranh; (2) Thu hút sự đầu tư tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; (3) Lực lượng lao động dồi dào, chất lượng cao; (4) Chính sách phù hợp; (5) Tích cực cải tiến và áp dụng công nghệ cao: (6) Chú trọng giáo dục - đào tạo; (7) Tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, chi phí giao thông thấp, tăng cường lưu thông; (8) Quan hệ giai cấp tốt, chính trị ổn định. Và một điều quan trọng không thể không kể đến là tinh thần “Cố gắng vươn lên, đuổi kịp và vượt qua các nước phát triển” của người Nhật Bản lúc bấy giờ đã góp phần đưa nền giáo dục Nhật Bản ngày nay xếp thứ 2 thế giới về giáo dục người trưởng thành. Chính phủ Nhật từ lâu đã xác định giáo dục phải gắn liền với lợi ích đời sống nhân dân. Vì vậy, các ngành đào tạo nghề tại Nhật Bản được đánh giá rất cao - giáo dục hướng tới khoa học thực tiễn cho đời sống. Đây chính là điểm tiến bộ của nền giáo dục Nhật Bản đã đóng góp vào công cuộc đổi mới to lớn và sự trỗi dậy mạnh mẽ của người Nhật.
30 năm, tăng 100 lần là con số mà Hàn Quốc đưa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người nhảy vọt từ 100 USD năm 1963 lên 10.000 USD năm 1995. Đây là sự phát triển thần kỳ sau chiến tranh, là dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của Hàn Quốc gắn với câu chuyện "Kỳ tích sông Hàn” hay "Huyền thoại sông Hàn" làm thế giới phải kinh ngạc với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Và Tổng thống Park Chung – Hee chính là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất để viết lên câu chuyện “Kỳ tích sông Hàn”, tạo ra sự “chuyển mình” cho Đại Hàn Dân Quốc trở thành Nhà nước hiệu quả, có tầm nhìn và chiến lược, sách lược rõ ràng. Quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia thịnh vượng, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung - Hee đã đưa ra “Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm” với khẩu hiệu “Đối xử với công nhân như gia đình” được cho là đã giúp công nhân lao động Hàn Quốc làm việc với năng suất gấp hơn 2,5 lần so với công nhân Hoa Kỳ, mặc dù mức lương của công nhân Hàn Quốc chỉ bằng 1/10 công nhân Hoa Kỳ. Điều này đã giúp người dân Hàn Quốc có động lực để tiến tới những thành công về kinh tế sau này.
“Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm” tập trung triển khai, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol). Với sự đồng lòng cùng tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên mạnh mẽ đã giúp Hàn Quốc làm nên "Kỳ tích sông Hàn" với sự ra đời của hàng loạt chaebol như: Samsung, Daewoo, Hyundai hay LG..., đưa quốc gia này trở thành một trong bốn "con rồng" kinh tế châu Á vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Cũng như Nhật Bản, có rất nhiều yếu tố thành công để giúp Hàn Quốc tăng trưởng một cách ngoạn mục, nhưng có hai nhân tố quan trọng nhất, đó là giáo dục và vai trò của nhà nước. Với nhiệt huyết giáo dục cao nhất thế giới, nền giáo dục Hàn Quốc đã làm thay đổi số phận của mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp và số phận của quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã từng phát biểu công khai: “Một đất nước từng nghèo hơn cả Kenya – quê hương của ông tôi là Hàn Quốc thời nay đang gia nhập các nước phát triển. Lý do chính là nhờ nhiệt huyết giáo dục cháy bỏng của Hàn Quốc”.
Cùng với đó là năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, chính sách ngoại giao thực tiễn, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sáng tạo và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách mở cửa quả cảm và toàn cầu hóa đã đưa Hàn Quốc đến những thành công ngoạn mục.
30 năm, cũng là con số mà Singapore viết lên “câu chuyện thần kì” với dấu ấn đặc biệt sau ba thập kỷ nắm quyền. Thể chế trung thực, kết hợp tư duy thực dụng, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xây dựng một đất nước Singapore năng động, sáng tạo, một Chính phủ tinh gọn và hiệu quả, trọng dụng nhân tài…
Tạo dựng một nền thể chế đổi mới với hàng loạt cơ chế, chính sách phù hợp đã đưa Singapore từ một hòn đảo thuộc địa trở thành quốc đảo thịnh vượng, an toàn và trong sạch với thu nhập bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Đầu thập niên 60, GDP đầu người của Singapore chỉ ở mức khoảng 4.000 USD, nhưng trong vòng nửa thế kỷ, GDP bình quân đầu người đã nhanh chóng tăng lên 50.000 USD. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc này, Singapore khiến cho nhiều cường quốc phải ghen tị.
Góp phần tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cho Singapore chính là nền giáo dục tiên tiến đứng thứ 8 trên thế giới và đứng đầu tại châu Á. Nền giáo dục Singapore trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân làm nên sự thành công của giáo dục Singapore, như: Phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên, các chính sách hỗ trợ, khích lệ của chính phủ…, nhất là việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo, đáp ứng khả năng nghiên cứu, thực hành của học sinh, sinh viên… Đây là cơ sở quan trọng tạo nên xã hội học tập, nâng cao trình độ dân trí cũng như tạo ra những thay đổi kỹ năng nghiên cứu, lao động, sản xuất của người dân. Vì thế mà nguồn nhân lực chất lượng cao của Singapore đã tăng lên nhanh chóng.
Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã giúp thế giới rút ra được nhiều bài học vô giá, đó là bài học về nhân tố con người, về giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực. Chính con người là nhân tố quan trọng để có thể vượt lên tất cả, mà hạt nhân là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Thực tế cho thấy, được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy lãnh đạo xuyên suốt từ chủ trương, đường lối cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với chiến lược đúng đắn, phù hợp bối cảnh của thời đại, mà các quốc gia này đã tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Những quốc gia này đã chứng minh cho thế giới rằng, mặc dù khác nhau về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa lý, văn hóa, tài nguyên,… nhưng có một điểm chung, đó là sự trỗi dậy, sự vươn lên của người dân với ý chí khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, không chấp nhận số phận hèn kém… Giáo dục và vai trò dẫn dắt của Nhà nước là hai yếu tố quan trọng khơi dậy sự đoàn kết toàn dân hướng tới mục tiêu khát vọng hùng cường mà các nhà lãnh đạo
đã truyền cảm hứng tới người dân và chèo lái để tạo ra sự lột xác ngoạn mục cho đất nước họ. Đúc kết này không chỉ cho thấy vai trò quan trọng, công lao to lớn các nhà lãnh đạo mà còn minh chứng cho vấn đề thể chế, tư duy lãnh đạo và khát vọng hùng cường của dân tộc cũng như lợi ích của người dân.
Kinh nghiệm từ sự vươn lên, sự trỗi dậy từ các quốc gia luôn bổ ích với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Và sự trỗi dậy của Việt Nam cũng là tất yếu. Điều đó thể hiện rõ nhất tại Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là lần đầu tiên trong chủ đề Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra yêu cầu khơi dậy khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường. Đây là thông điệp có sức thôi thúc mạnh mẽ. Lần đầu tiên chúng ta đưa ra tầm nhìn cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tầm nhìn Việt Nam phải trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Để thực hiện khát vọng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi: tôi mong đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng, trí tuệ và nhiệt huyết, chung sức đồng lòng vững bước trên con đường đổi mới, vì một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, phát triển cường thịnh./.
(Khắc Trường Báo Đảng cộng sản)