Ở Việt Nam, xu hướng du lịch xanh mới trong giai đoạn khởi đầu nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
23:55 13/09/2023
(VINEN) - Khi đi du lịch, nhiều du khách sẽ chủ trọng đến các địa điểm thăm quan, nghỉ dưỡng, điểm chụp ảnh đẹp, món ăn địa phương hấp dẫn. Nhưng ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến các tiêu chí khác ở nơi mình đặt chân đến, trong đó có tiêu chí xanh. Ví dụ khách sạn có sạch, có hướng tới tiêu chí bảo vệ môi trường không? Địa điểm mình đến du lịch có mang đến trải nghiệm du lịch thân thiện hay không?….
Du lịch xanh được định nghĩ là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì, gìn giữ văn hóa của người dân bản địa, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân. Những hoạt động này giúp du lịch trở nên có ý nghĩa, tạo ra các giá trị gia tăng cho người trải nghiệm du lịch và người dân bản địa.
"Tôi nghĩ nhu cầu về du lịch xanh rất rõ. Khi chúng ta phát triển quá đà, khai thác thiên nhiên và phá hoại môi trường thì đã rung lên một tiếng chuông cảnh báo, từ đó nhiều người đều ý thức được rằng không chỉ là du lịch xanh mà còn phát triển bền vững trong tất cả các ngành nghề. Sau cuộc sống ồn ào, bận rộn vội vã, họ hòa mình vào thiên nhiên, được cảm thấy khoan khoái, được chữa lành. Hơn nữa, làm du lịch xanh nghĩa là bảo tồn môi trường, văn hóa và di sản, họ muốn đồng hành với bạn vì muốn thể hiện con người họ, cho thấy niềm tin về một giá trị phát triển một thế giới tốt đẹp hơn", ông Nguyễn Dương - Chuyên gia trải nghiệm khách hàng chia sẻ.
Phát triển du lịch xanh là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi, do những giá trị mà nó mang lại về kinh tế và văn hóa xã hội. Ở Việt Nam, xu hướng này mới trong giai đoạn khởi đầu nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Chẳng hạn như hơn 20 đơn vị, tổ chức ở Hội An đã liên kết thành một cộng đồng làm du lịch xanh. Họ chia sẻ cùng nhau về xử lý rác hữu cơ, làm đồ tái chế, loại bỏ đồ dùng một lần. Không chỉ Hội An, một số địa phương trên cả nước đã đưa ra định hướng phát triển du lịch xanh nhằm thu hút lượng lớn du khách sẵn sàng chi tiền cho các trải nghiệm xanh, ví dụ như Huế phát triển du lịch xanh dựa trên tiềm năng di sản. Du khách tới Huế giờ đây có thêm trải nghiệm như tour đạp xe thăm nhà vườn Đại nội… Hay tại Phú Quốc, với chuyển hướng trở thành điểm đến giảm nhựa từ năm 2020, địa phương giờ đang có sự chuyển dịch trong cả dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các khách sạn và nhà hàng không dùng đồ nhựa một lần bắt đầu nhiều hơn.
"Với khách hàng du lịch cả trong nước và quốc tế, trong quá trình du lịch, họ sẽ giao tiếp nhiều, từ gặp nhân viên tổ chức tour đến đi tới địa điểm du lịch, ăn uống nhà hàng…. Nếu những người tham gia vào hành trình trải nghiệm ấy không có cuộc sống xanh, không có văn xanh thì sẽ không trọn vẹn trải nghiệm xanh. Do đó, trong trường hợp làm thực sự có chiến lược, bản thân du lịch xanh còn truyền cảm hứng cho những du khách sau khi trở về nhà sẽ sống xanh hơn", ông Nguyễn Dương cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái là một cách đảm bảo thịnh vượng của du lịch. Trong kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 do Chính phủ phê duyệt, du lịch xanh trở thành điểm nhấn phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương.
(Theo VTV News)