Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo
14:52 16/09/2023
(VINEN) - NTE- Mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức cần tiếp tục khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trong đó phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là một trong các nhiệm vụ đột phá chiến lược.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch VCCI tuyên bố Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.
Chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022 và phát động Chương trình khởi nghiệp quốc gia 2023 với chủ đề “Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức.
Hoàn thiện chính sách phát triển
Hiện nay trên thế giới, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nằm trong những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và phát triển các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiệu quả. Để thực hiện thành công quá trình này, cần phải có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp vững mạnh, từ đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân và chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm đầu châu Á.
Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã đề ra một số chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có cơ chế cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề các nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó đã đề ra yêu cầu ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu…
Cụ thể hoá bằng hành động
Chính phủ cũng đã cụ thể hóa thành các Chương trình hành động, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án để triển khai cụ thể. Kết quả năm 2022 cho thấy, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44), tiếp tục giữ vững vị trí về đổi mới sáng tạo trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo từ 2017 đến nay và là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình.
Những kết quả này thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ và các cơ quan liên quan; sự nỗ lực, đóng góp của các tổ chức trong đó có Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Chương trình Festival Khởi nghiệp được tổ chức từ năm 2003 đến nay.
Ban Kinh tế Trung ương – Cơ quan chủ trì xây dựng và hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện các Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Có thể thấy, từ khi Chương trình được triển khai đến nay, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã được triển khai mạnh mẽ với những sản phẩm công nghệ, nền tảng công nghệ mang lại giá trị hữu ích cho cuộc sống.
Chúng ta hướng đến mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có mức thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao. Chính vì vậy, mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức cần tiếp tục khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trong đó phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ đột phá chiến lược.
Vì vậy, trong thời gian tới, các hoạt động của Chương trình tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, gắn với thực tiễn, qua đó thúc đẩy cộng động doanh nghiệp, doanh nhân cùng tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững./.
(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)