Thương hiệu Việt Nam: Tạo đột phá cho hàng xuất khẩu
00:55 08/08/2023
(VINEN) - Là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng hiện trong các siêu thị của Hoa Kỳ hầu như không có cà phê Việt Nam, mà sản phẩm chỉ xuất hiện ở siêu thị của người Việt. Nguyên nhân là do cà phê Việt xuất qua Hoa Kỳ chủ yếu để nhà máy rang xay pha trộn làm cà phê hòa tan. Tương tự, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều ở dạng gia công, các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng...
NHỮNG CÁI TÊN VIỆT GIỮA TRỜI TÂY
Những ví dụ như trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt chưa cương quyết thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán, từ đó dễ gặp khó khăn khi đơn hàng giảm và giá trị xuất khẩu cũng chưa cao. Việc đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt lên kệ các siêu thị tại các thị trường lớn tuy còn nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là chưa có doanh nghiệp nào làm được. Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp thành công xuất khẩu thương hiệu riêng, thì lợi ích về kinh tế rất lớn.
Với sự hỗ trợ, kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Tập đoàn Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính. Cho tới nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được thành công như vậy tại châu Âu. Kết quả, năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo vào EU tăng hơn 200%, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU trong năm 2023.
VIFON chiếm đến 44,3% thị phần của thị trường mì ăn liền Ba Lan trong năm 2022.
Tương tự, 33 năm “đem chuông đi đánh xứ người”, VIFON là đại diện tiêu biểu cho thực phẩm đóng gói “Made in Vietnam”. Hương vị thơm ngon, nguyên liệu được liệt kê rõ ràng trên bao bì kết hợp với mẫu mã đúng thị hiếu đã giúp VIFON được người tiêu dùng thế giới đón nhận. Đặc biệt, theo dữ liệu bán lẻ từ Nielsen IQ, tại Ba Lan, VIFON chiếm đến 44,3% thị phần của thị trường mì ăn liền trong năm 2022.
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VIFON, chia sẻ: “Mỗi sản phẩm của chúng tôi mang theo câu chuyện về các đầu bếp tận tụy của VIFON, những người đã dành nhiều năm để hoàn thiện nghệ thuật tạo ra hương vị chân thật, đảm bảo rằng mỗi lần thưởng thức, khách hàng sẽ trải nghiệm được truyền thống ẩm thực phong phú của Việt Nam”.
Lấy dẫn chứng từ thành công trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước dừa Cocoxim Betrimex, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết: “Trước đây, khi tập đoàn chưa đầu tư nhà máy tại Bến Tre, nước dừa tại Việt Nam đa số chỉ sản xuất nước màu (dùng để kho cá, thịt, chế biến thực phẩm). Thành Thành Công bắt tay vào đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nước dừa đóng hộp. Nhờ thế mạnh về thổ nhưỡng khí hậu, 90% sản phẩm nước dừa trong dây chuyền sản xuất của Thành Thành Công được xuất khẩu. Doanh nghiệp còn làm cả sữa dừa phục vụ cho người dân Hồi giáo, để thay thế cho sữa có nguồn gốc từ động vật”.
Vừa qua, sản phẩm King Coffee cũng đã được bán trực tiếp vào hệ thống Costco Wholesale - một chuỗi bán buôn lớn nhất tại Hoa Kỳ. Đại diện quản lý kinh doanh tại Mỹ, ông Kelvin Nguyễn (Country Head in USA) cho biết: “King Coffee đã bán hàng trực tiếp vào các chuỗi cung ứng lớn tại Mỹ như Costco, Food Town, Fiesta, các Asian Super Market… và đang hướng tới các chuỗi bán hàng Walmart, H.E.B trong tương lai gần”...
Theo VNEconomy